Chu kỳ giá vàng và Biểu đồ giá vàng Việt Nam 10 năm gần đây

Nhiều thế kỷ qua, vàng luôn giữ vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và kinh tế toàn cầu nhưng cũng là một tài sản vô cùng phức tạp về giá bởi tính biến động quá lớn. Thị trường vàng thế giới cũng như Việt Nam 10 năm qua từng chứng kiến những đợt tăng giá “điên loạn” cũng như những lần trượt dốc thẳng đứng với nhiều lần trở thành chủ điểm nóng trong từng “hơi thở” các nhà đầu tư.

Để dự đoán biến động giá vàng với độ chính xác mong muốn, các nhà đầu tư, các công ty khai thác vàng, ngân hàng trung ương cũng như tất cả tác nhân đầu cơ của thị trường đặc thù này đều phải đối mặt với mức độ rủi ro khá cao. Hay nói theo cách khác, bất kỳ dự đoán nào về giá vàng trên danh nghĩa hay giá vàng thực tế đều có mức độ không chắc chắn rất cao.

Mặc dù “Bản chất của giá vàng là sự thất thường” nhưng điều thú vị là, biến động giá vàng hoạt động theo theo chu kỳ có liên quan mật thiết đến thị trường tài chính, dự trữ vàng và giá năng lượng cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô trong đó chu kỳ của nền kinh tế có dấu ấn rõ nét đối với chu kỳ tăng giảm giá vàng.

Vậy trong bài viết này, Vnrebates sẽ cùng bạn tìm hiểu về chu kỳ giá vàng cũng như phân tích Biểu đồ giá vàng Việt Nam 10 năm gần đây.

Biểu đồ giá vàng Việt Nam

Chu kỳ giá vàng và biến động giá vàng trong 10 năm qua

Chu kỳ giá vàng và chu kỳ của nền kinh tế

Chu kỳ là khoảng thời gian giữa hai lần lặp lại liên tiếp của một sự việc, hay thời gian để kết thúc một vòng quay, một chu trình. Tính chu kỳ được thể hiện trong khoa học cũng như mọi lĩnh vực của đời sống và nền kinh tế cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta thường nghe nói đến chu kỳ của nền kinh tế – sự biến động của GDP thực tế theo trình tự ba pha lần lượt là suy thoái, phục hồi và hưng thịnh.

Tương tự, giá vàng cũng có các diễn biến tăng – giảm theo tính chu kỳ theo từng giai đoạn trong đó chu kỳ của giá vàng gần như nghịch đảo với chu kỳ của nền kinh tế. Chu kỳ kinh tế tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến thị trường vàng. Cụ thể, kim loại quý này thường giảm giá mạnh trong thời kỳ kinh tế khởi sắc và “tỏa sáng” trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý rằng, các chu kỳ kinh tế không bao giờ giống nhau và giá vàng cũng không biến động theo cùng một hướng trong những thời kỳ khủng hoảng khác nhau.

Giá vàng tăng mạnh lên đỉnh thứ nhất khi nền kinh tế ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng mạnh (dấu hiệu của suy thoái) và giá vàng thường giảm mạnh sau khi có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Vàng là một mặt hàng được coi là nơi trú ẩn an toàn khi khủng hoảng tài chính xảy ra, nhưng khi thị trường chứng khoán khởi sắc, đây lại là những lựa chọn đầu tư hấp dẫn hơn, và cứ thế chu kỳ vàng tiếp diễn.

Mặc dù không dễ dàng để dự báo chính xác mọi biến động giá vàng ở mọi thời điểm, nhưng nắm rõ các nguyên tắc và quy luật cơ bản về tính chu kỳ của vàng là vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư, giúp họ có những quyết định giao dịch đúng đắn. Bởi vậy, có thể so sánh rằng một nhà kinh doanh vàng không tuân theo các chu kỳ vàng cũng giống như một người thợ mộc không sử dụng thước đo.

Phân loại chu kỳ giá vàng

Nhìn chung, biến động giá vàng tuân theo 3 chu kỳ giá vàng quan trọng: chu kỳ ngắn hạn, chu kỳ trung hạn và chu kỳ dài hạn tương ứng với từng khoảng thời gian nhất định. Trong đó, chu kỳ giá vàng trung hạn được tạo thành từ nhiều chu kỳ giá vàng ngắn hạn và tương tự nhiều chu kỳ giá vàng trung hạn sẽ tạo thành một chu kỳ giá vàng dài hạn.

  • Chu kỳ giá vàng ngắn hạn (từ 15 ngày đến 38 ngày): Đây được xem là chu kỳ khó nhận biết nhất bởi những biến động khó lường từ động thái của ngân hàng trung ương đối với chính sách tiền tệ đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Khi thị trường đi lên (bull market), các chu kỳ ngắn hạn hoạt động mạnh mẽ tạo điều kiện cho các nhà giao dịch lướt sóng (Swing trader) bắt đáy hoặc đỉnh tiềm năng.
  • Chu kỳ giá vàng trung hạn(4 tháng đến 7 tháng): Đây là chu kỳ phổ biến và được nhiều nhà phân tích sử dụng trên thị trường vàng. 1 chu kỳ trung hạn được tạo thành từ nhiều chu kỳ ngắn hạn. Các sự kiện kinh tế cụ thể và tâm lý nhà đầu tư có thể kéo dài hoặc rút ngắn chu kỳ này.
  • Chu kỳ giá vàng dài hạn (trên 8 năm): Thực tế có nhiều loại chu kỳ vàng dài hạn, có thể là 8 năm, 10 năm, 20 năm hoặc thậm chí là 40 năm. Trong 3 loại, chu kỳ dài hạn được xem là chu kỳ giá vàng quan trọng nhất đặc biệt đối với các nhà đầu tư dài hạn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tập trung thảo luận về chu kỳ 10 năm qua biểu đồ giá vàng Việt Nam 10 năm gần đây.
Xem thêm  Kinh doanh tiền tệ là gì ? Nghe to lớn nhưng lại rất đơn giản

Biểu đồ giá vàng trong nước 10 năm qua – chậm rãi đi lên xen kẽ 3 biến động mạnh mẽ

Biểu đồ giá vàng Việt Nam 10 năm gần đây

Nhìn vào biểu đồ giá vàng trên, từ năm 2010 đến 2020, bạn có thể thấy rằng giá vàng nhìn chung là có xu hướng đi lên với 3 lần biến động mạnh mẽ. Lần thứ nhất là năm 2011, lần thứ 2 là giai đoạn cuối 2012, đầu năm 2013 và lần thứ 3 chính là gần đây giữa tâm điểm của đại dịch Covid 19.

Mặc dù có sự chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới do các yếu tố như tỷ giá hối đoái, thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu, yếu tố mùa vụ, sự mất cân bằng nguồn cung cầu vàng, nhìn chung giá vàng tại thị trường Việt Nam thường được xác định bởi giá vàng thế giới. Do đó, bất kể sự biến động tăng hay giảm của giá vàng thế giới cũng tác động tới giá vàng trong nước.

Nhìn chung, những năm qua giá vàng trong nước tăng liên tục bình quân ở mức 24%, cao đến mức mà nhiều người vẫn nói rằng “vàng bỏ ống cũng có lãi“.

Biểu đồ giá vàng ít biến thiên do chính sách “siết” thị trường vàng của nhà nước

Lý do Ngân hàng trung ương phải “siết” thị trường vàng là vì thời điểm trước năm 2012, thị trường vàng thường xuyên lên cơn sốt ảo mỗi khi giá vàng biến động mạnh. Việc can thiệp vào thị trường vàng một cách khôn khéo và hợp lý của nhà nước thông qua một loạt nghị định và chính sách quản lý đảm bảo việc kinh doanh, đầu tư vàng diễn ra được ổn định. Biểu đồ giá vàng cũng vì thế khá đẹp mắt trong một khoảng thời gian, các nhà đầu tư hạn chế những rủi ro cạnh tranh không lành mạnh, cũng là biểu thị cho tình hình kinh tế ổn định.

Biểu đồ giá vàng giai đoạn hiện tại với nhiều dấu hiệu tích cực

Từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020, giá vàng có nhiều dấu hiệu cực kỳ tích cực. Năm 2020 đã chứng kiến sự bùng nổ giá vàng mà nổi bật là sự kiện giá vàng thế giới đã xuyên thủng mức kỷ lục 1.920 USD/ounce hồi năm 2011, vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và thiết lập mức kỷ lục mới 2.070 USD/ounce trong khi giá vàng trong nước cũng lập đỉnh với mức giá 62 triệu đồng/lượng.

Như đã nói ở trên, năm 2020 không phải năm duy nhất chứng kiến giá vàng biến động mạnh khiến thị trường chao đảo. Thực tế trong 10 năm qua, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến các cơn địa chấn giá vàng hay những lần giá vàng lao dốc thẳng đứng làm nhiều nhà đầu tư phải thót tim với những phiên giao dịch không khác gì chơi tàu lượn siêu tốc.

Thực tế cho thấy kim loại quý này tăng giá càng nhanh, các đợt điều chỉnh giảm sẽ càng mạnh. Dưới đây là là biểu đồ giá vàng trong nước cụ thể qua từng giai đoạn:

Cơn sốt giá vàng năm 2011

Cơn sốt giá vàng năm 2011

Những ký ức về những ngày nóng như chảo lửa của giá vàng 10 năm trước, khi các nhà đầu tư lướt sóng “ăn chực nằm chờ” ở phố vàng, nín thở canh mua canh bán từng lượng vẫn khiến người ta bồi hồi khi nhớ lại. Có thể nói hiếm có năm nào mà thị trường vàng lại sôi động và nóng bỏng đến nhường ấy.

Giai đoạn năm 2008-2011, nền kinh tế toàn cầu chật vật gượng dậy từ cuộc khủng hoảng tài chính, các Ngân hàng trung ương ồ ạt in thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế khiến giá vàng tăng chóng mặt. Trong vòng 3 năm, kim loại quý này đã tăng giá 200%. Trong khi đó nếu tính chung năm 2011, giá vàng trong nước cũng đã tăng 24.9% so với cuối năm 2010.

Phát súng mở đầu cho sự bùng nổ thị trường vàng năm đó chính là sự kiện ngày 11/2/2011 khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục 9.3%. Không chần chừ, giá vàng bứt phá lên mức 36 triệu đồng/lượng.

Sang đầu tháng 8/2011, khi giá vàng thế giới vượt qua mốc 1.660 USD/ounce thì giá vàng trong nước tiến sát mức 41 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 9/8/2011, giá vàng đã chạm ngưỡng 46 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 2 ngày từ 8 đến 9/8/2011, giá vàng đã tăng đột biến thêm 5 triệu đồng/lượng.

Giữa thời điểm giá vàng lập đỉnh cao nhất lịch sử (trước khi bị phá vỡ vào tháng 8 năm 2020), chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử như việc các “nhà buôn vàng” đội mưa tầm tã hay ăn nằm tại cửa hàng vàng. Các cửa hàng vàng bạc nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, Ruby, Plaza hay Phú Quý có lúc không có tiền mặt để trả cho khách. Thậm chí, theo thống kê của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vào sáng ngày 9/8, lượng khách đến mua vàng chiếm tới 93,2%, trong khi người bán chỉ là 7%.

Và, vào phiên giao dịch sáng ngày 10/8, tức là sau đó một ngày, khi giá vàng giảm 1,7 triệu/lượng so với phiên giao dịch chiều ngày 9/8, vẫn với cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng chỉ khác là người ta lại đổ xô đi bán vàng.

Xem thêm  Cán cân thương mại là gì ? Ảnh hưởng của Trade Balance như thế nào

Tuy nhiên, từ ngày 19/8 đến ngày 23/8/2011, giá vàng trong nước lập kỷ lục mới khi vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng rồi vượt 49 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới vượt mốc 1900 USD/ounce.

Cuối tháng 9-2011, thị trường vàng Việt Nam lại chứng kiến cảnh hỗn loạn đội mưa để bán vàng khi giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng. Khép lại năm 2011, giá vàng thế giới dao động nhẹ quanh mốc 1.600 USD/ounce và 43 triệu đồng/lượng trên thị trường Việt Nam.

Biểu đồ giá vàng năm 2011

Giai đoạn 2012 đến 2015 – Bắt đầu chu kỳ giảm với những lần giá vàng trượt dốc thẳng đứng

Giá vàng giai đoạn 2012-2015 – Bắt đầu chu kỳ giảm

Năm 2012 đã chứng kiến những thay đổi lớn, chưa từng có tiền lệ, về hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với quyết tâm “chống vàng hóa” đối với thị trường đặc thù này.

Năm 2012, giá vàng vẫn tăng dù tốc độ tăng chậm do vẫn được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng nợ leo thang ở châu Âu cũng như hàng loạt bất ổn khác của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong khi đồng USD được giới đầu tư ưa chuộng, thì địa vị là “vịnh tránh bão” của vàng dường như không còn mạnh như những năm trước đó.

Sang đến đầu năm 2013, giá vàng SJC mua – bán trong vùng 46 – 46,75 triệu đồng/lượng, mức giá này được giữ trong suốt nửa đầu tháng 1/2013. Sau đó, giá vàng trong nước giảm dần xuống dưới mốc 43 triệu đồng/lượng và bắt đầu mất mốc 40 triệu đồng/lượng từ tháng 6.

Đến những phiên giao dịch cuối năm 2013, giá vàng trượt dốc thẳng đứng. Tại thị trường vàng thế giới, trong phiên giao dịch ngày 24/12/2013, giá vàng giao ngay trên sàn New York đóng cửa ở mức 1.205,3 USD/ounce, giảm 28% so với cuối năm 2012 và giảm hơn 37% so với đỉnh năm 2011. Đây được xem là mức giảm giá trong năm mạnh nhất của vàng kể từ năm 1981.

Trong khi đó, giá vàng bán ra tại SJC ngày 25/12/2013 được ghi nhận ở mức khoảng 35,1 triệu đồng/lượng, giảm 11,6 triệu đồng/lượng so với thời điểm cuối năm 2012 và thấp gần nhất trong vòng hơn 3 năm.

Năm 2015 tiếp tục chứng kiến những lần giảm sốc của kim loại quý này và trở thành một năm không mấy suôn sẻ với những người yêu thích kênh đầu tư này bởi tài sản của họ đã “bốc hơi” đáng kể.

Nếu như trong những ngày đầu năm 2015, giá vàng vẫn quẩn quanh ngưỡng 35 triệu đồng, đặc biệt, những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2 giá vàng có lúc được đẩy lên tới 35,84 triệu đồng/lượng do nhu cầu mua vàng cầu may đầu năm.

Tuy nhiên, kim loại màu vàng này bắt đầu “hạ nhiệt” vào những ngày cuối tháng Tư, khi để mất mốc 35 triệu đồng/lượng và khủng hoảng thực sự đến vào hồi giữa tháng 7 khi giá kim loại màu vàng này liên tục giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm từ 2010 đến 2015.

Giá vàng năm 2016 – Bật tăng trở lại nhưng vẫn trồi sụt, phản ứng nhà đầu tư khá dè dặt

Chu kỳ giá vàng

Biểu đồ giá vàng năm 2016

Trước các biến động mạnh trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước có thời điểm bị kéo xuống đáy, song cũng có lúc bị đẩy lên rất cao và sau đó neo ở mức cao dù giá vàng thế giới giảm rất mạnh.

Sau 5 tháng đầu năm dao động quanh ngưỡng 33- 34 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới leo thang, vàng trong nước chính thức tìm lại mốc 35 triệu đồng/lượng vào tháng 6. Tại đây, vàng đã ghi nhận bước tiến 5,1%- được xem là tốt nhất kể từ đầu năm.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016 (ngày 31/12), giá mua – bán vàng miếng SJC tại TP HCM niêm yết ở mức 35,00 – 36,10 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng SJC của tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 36,10 – 36,30 triệu đồng/lượng.

Từ những ngày cuối tháng 11, giới đầu tư đã chú ý đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước “neo” ở mức rất cao. So với giá vàng thế giới quy đổi, có thời điểm giá vàng miếng SJC cao hơn 5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính chung cả năm 2016, người mua vàng tại Việt Nam đã có lời khi giá vàng trong nước tăng vọt từ mức 32,86 triệu đồng/lượng lên mức 36,1 triệu đồng/lượng, tương đương mức lãi khoảng 9%.

Giai đoạn 2017 đến 2018 – Ít biến động và có dấu hiệu tích cực cho chu kỳ tăng giá

Kết thúc năm 2017, giá vàng tăng trưởng với mức rất cao, tăng hàng tháng là 1,64% và mức tăng 12,67% hàng năm – mức tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2010.

Đầu năm 2018, thị trường vàng tương đối ổn định, tới khoảng giữa năm, giá vàng thế giới tụt dốc không phanh về mốc 1.278,9 USD/ounce, và tới tháng 11, giá vàng tăng mạnh do đồng USD yếu.

Xem thêm  Sell in May là gì ? Ý nghĩa của Sell in May trong thị trường tài chính

Trong năm 2018, thị trường vàng trong nước khá yên ắng, không có nhiều biến động khi ổn định ở mức khoảng 34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giới phân tích đã dự đoán rằng làn sóng tăng giá của vàng đã bắt đầu từ năm 2018, nguyên nhân là do các nhà đầu tư bất an về khủng hoảng kinh tế thế giới.

Giá vàng năm 2019 – Khởi đầu chu kỳ tăng giá

Diễn biến giá vàng năm 2019

Trong năm 2019, giá vàng Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ diễn biến giá vàng trên thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tăng mạnh nhất lên 43,05 – 42,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 5/9 và thấp nhất tại 36,10 – 36,29 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 24/4. Nhìn chung, giá vàng trong nước bình quân năm 2019 tăng 7,55% so với năm 2018.

Bên cạnh lý do tâm lý bất an của nhà đầu tư với khủng hoảng kinh tế bắt nguồn tư việc căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, lý do nữa khiến giá vàng tăng mạnh là dòng tiền đổ vào vàng của các Ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tăng rất mạnh.

Một điểm đặc biệt nữa, là gần như tất cả định chế tài chính, các ngân hàng Trung ương trên thế giới hầu như không có ý định bán vàng. Điều này có nghĩa, vàng đang được hỗ trợ trong một chu kỳ dài hạn.

Tác động của Covid-19 và bùng nổ giá vàng năm 2020

Biểu đồ giá vàng SJC trong năm 2020

Đà tăng từ năm 2019 tiếp diễn và duy trì trong suốt năm 2020 trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 cường quốc đứng đầu thế giới vẫn bi quan cộng thêm đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khi chính phủ các nước liên tục đưa ra các gói kích thích kinh tế chưa từng có và bơm tiền ra thị trường, cả trong nước lẫn quốc tế, kim loại quý này đã ghi nhận những phiên giao dịch tích cực nhất khi giá tài sản quý này liên tục vượt đỉnh lịch sử.

Dù có những thời điểm giá vàng trồi sụt, và chịu áp lực chốt lời từ giới đầu tư, giá kim loại quý vẫn tăng. Ngoài ra, vàng cũng được hưởng lợi từ việc giá trị đồng USD suy yếu so với 6 đồng ngoại tệ khác và việc dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ càng khiến giới đầu tư vẫn hoài nghi về sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Giá vàng năm 2020 đã khép lại một năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, dù khả năng tăng tiền hỗ trợ cho người dân Mỹ trong đại dịch giảm đi và các thị trường chứng khoán đi lên gây sức ép lên giá kim loại quý này.

Biểu đồ giá vàng 3 tháng gần nhất – Đà tăng của giá vàng liệu đã dừng lại hay chưa?

bieu do gia vang viet nam 10 nam gan day

Biểu đồ giá vàng SJC 3 tháng gần nhất

Trong 3 tháng gần nhất, giá vàng nhìn chung ít biến động, dao động xung quanh mức 55 đến 57 triệu đồng/lượng. Biến động mạnh nhất là đợt giảm mạnh xuống 53,1 triệu đồng/lượng vào ngày 1/12/2020.

Câu hỏi lớn nhất mà các nhà đầu tư quan tâm là liệu giá vàng có tăng trong năm 2021 không?

Khả năng biến động mạnh của thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn đó nên việc dự đoán giá vàng sẽ ra sao trong dài hạn là khá khó khăn. Theo nhiều nhà phân tích, diễn biến thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế đại dịch cũng như tình trạng phục hồi nền kinh tế. Trong trường hợp đại dịch được khống chế, các tài sản rủi ro sẽ được giới đầu tư ưa chuộng hơn, qua đó tạo áp lực cho vàng và ngược lại.

Tuy vậy, vắc xin hiện nhiều nước đã và đang triển khai, nhưng nhìn vào khả năng phục hồi kinh tế sau dịch, phải mất nhiều năm kinh tế mới có thể phục hồi. Hơn nữa, việc giá vàng tăng dựng đứng trong năm 2020 không hoàn toàn đến từ đại dịch vì nhiều người chưa nghĩ đến lý do dòng tiền. Từ đầu 2019, các định chế tài chính lớn đều đã mua ròng vàng để dự trữ và chưa có dấu hiệu bán vàng nên giá vàng cũng không thể hạ ngay được.

Dù hiện tại giá vàng tăng đã khá nhiều, trong dài hạn – ít nhất là 2-3 năm tới, giá vàng dù có những giai đoạn sụt giảm, nhưng đó chỉ là tạm thời, và xu hướng đi lên sẽ được duy trì. Như các bạn đã biết, chu kỳ tăng của chứng khoán Mỹ đã kéo dài 12 năm, chu kỳ tăng của bất động sản cũng đã 6-7 năm, nhưng chu kỳ tăng giá của vàng thì mới bắt đầu 2 năm nên nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Tóm lại, do vàng có vị trí đặc biệt trong hệ thống chính trị và kinh tế toàn cầu, nên cho dù thị trường tăng hay giảm, nhà đầu tư vẫn có nhiều cơ hội tuyệt vời để kiếm lời từ kênh đầu tư này. Điều quan trọng là nhà giao dịch cần có kiến thức sâu sắc và đầy đủ cũng như cần giao dịch cẩn trọng, theo sát các diễn biến để gặt hái thành công.

5/5 - (1 bình chọn)

Related Posts

Hakka Token là gì

Hakka Token là gì ? Hakka finance là gì ?

Tìm hiểu về Hakka token hệ sinh thái Hakka Finance Hakka Token được biết đến là một token nằm trong hệ sinh thái của Hakka Finance. Hệ…

Kinh doanh tiền tệ là gì ? Nghe to lớn nhưng lại rất đơn giản

Kinh doanh tiền tệ là gì Vào thời đại của các mạng xã hội, kinh doanh tiền tệ đã trở thành một xã hội toàn cầu. Bạn…

Forexfactory là gì ? Hướng dẫn cách sử dụng ForexFactory hiệu quả

Là một forex trader chắc hẳn bạn không hề lạ lẫm gì với cái tên ForexFactory – 1 trong 4 website nổi tiếng nhất về Forex bao…

Top 14 Sách Price Action hay nhất các trader nên đọc 1 lần

Các quyển sách hay về Sách Price Action Ông bà ta có câu “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Kiến thức Price Action có từ…

Trượt giá (slippage) là gì? 7 bí kíp giúp trader tránh hiện tượng trượt giá?

Nhà đầu tư luôn phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối mặt một cách bình tĩnh nhất có thể đối với bất kỳ vấn đề…

Cán cân thương mại là gì ? Ảnh hưởng của Trade Balance như thế nào

Dù bạn là chuyên gia kinh tế hay bạn mới chập chững tham gia đầu tư tài chính thì bạn hẳn đều quen thuộc với thuật ngữ…